Khởi trị bằng osimertinib cho hiệu quả tương đương với phác đồ nối tiếp trong kéo dài thời gian sống ở nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR

28 Aug 2023 bởiJairia Dela Cruz
Khởi trị bằng osimertinib cho hiệu quả tương đương với phác đồ nối tiếp trong kéo dài thời gian sống ở nhóm bệnh nhân ung thư

Nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (non small cell lung cancer - NSCLC) có đột biến EGFR được ghi nhận có kết cục về sống còn là tương đồng khi được khởi trị bằng osimertinib so với phác đồ gefitinib nối tiếp bằng osimertinib, tuy nhiên, việc khởi trị bằng osimertinib cho thấy hiệu quả giảm đáng kể nguy cơ di căn não, theo kết quả nghiên cứu APPLE được báo cáo tại Hội nghị Ung thư phổi Châu Âu (ELCC) 2023.

Trong nhóm bệnh nhân được khởi trị bằng osimertinib, mức trung vị của thời gian sống còn chung (OS) không xác định được, trong khi đó đối với nhóm bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ nối tiếp gefitinib-osimertinib, mức trung vị của OS được xác định là 42,8 tháng (tỷ số rủi ro [HR] là 1,01, khoảng tin cậy 90% là 0,61 - 0,68). Có hơn 80% số bệnh nhân ở cả hai nhóm điều trị vẫn sống sau 18 tháng (84,4% với nhóm khởi trị osimertinib và 82,3% với nhóm điều trị nối tiếp gefitinib-osimertinib), theo thông tin từ TS. Jordi Remon, nghiên cứu viên chính tới từ Gustave Roussy ở vùng Villejuif, Pháp. [ELCC 2023, abstract 1O]

Mức trung vị của thời gian sống còn không có tiến triển bệnh (PFS) được ghi nhận là 19,5 tháng đối với nhóm nhóm khởi trị osimertinib và 21,39 tháng với nhóm điều trị nối tiếp gefitinib-osimertinib (HR là 0,87, khoảng tin cậy 90% là 0,6 - 1,26). Tỷ lệ đạt được tình trạng sống còn không có tiến triển bệnh sau 18 tháng cho hai nhóm điều trị lần lượt là 51% và 61%.

Theo thông tin từ TS. Remon, ở cả hai nhóm điều trị ghi nhận được tổng cộng 68 trường hợp di căn não, và tỷ lệ bệnh nhân không xảy ra biến cố này ở mốc thời gian 18 tháng cao hơn ở nhóm bệnh nhân khởi trị osimertinib, đạt 82,2%, so với mức 63,5% của nhóm điều trị nối tiếp gefitinib-osimertinib.

Mức trung vị của thời gian đến khi xảy ra biến cố di căn não ở nhóm khởi trị osimertinib là 34,3 tháng (khoảng tin cậy 95% là 26,9 - NR), còn đối với nhóm điều trị nối tiếp gefitinib-osimertinib là 22,3 tháng (khoảng tin cậy 95% là 18,6 - 22,3). Tỷ số rủi ro (HR) tương ứng là 0,54 (khoảng tin cậy 90% là 0,34 - 0,86).

TS. Remon cho rằng: “Việc khởi trị bằng osimertinib cho thấy sự hạn chế đáng kể nguy cơ xảy ra di căn não. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận chỉ số OS khá tương đồng giữa nhóm khởi trị osimertinib và nhóm điều trị nối tiếp gefitinib-osimertinib.”

Nghiên cứu APPLE là một thử nghiệm lâm sàng pha II không đối chứng gồm 3 nhánh nhằm mục đích tìm hiểu về ảnh hưởng của phác đồ nối tiếp gefitinib-osimertinib so với khởi trị bằng osimertinib. Có tổng cộng 156 bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên vào 3 nhóm điều trị: nhánh A có 53 bệnh nhân được sử dụng osimertinib đến khi có tiến triển xấu theo tiêu chuẩn RECIST, nhánh B có 52 bệnh nhân được sử dụng gefitinib đến khi có sự xuất hiện đột biến EGFR T790M trong DNA khối u lưu hành trong huyết tương hoặc khi có tiến triển xấu theo tiêu chuẩn RECIST, nhánh C có 51 bệnh nhân được sử dụng gefitinib đến khi có tiến triển xấu theo tiêu chuẩn RECIST. Sau khi ghi nhận tiến triển xấu, bệnh nhân ở nhánh B và C được chuyển sang sử dụng osimertinib.

Trong tổng số bệnh nhân, có 136 bệnh nhân thuộc nhóm per-protocol. Dữ liệu có được từ nhánh B và C được gộp lại trong quá trình phân tích (gọi là nhánh B/C). Đa số bệnh nhân là nữ giới, tỷ lệ nữ giới là 56,6% ở nhánh A và 69,9% ở nhánh B/C. Đa số bệnh nhân có đột biến EGFR Del19, tỷ lệ là 66% ở nhánh A và 64% ở nhánh B/C. Tỷ lệ ban đầu (baseline) của tình trạng di căn não là 19% ở nhánh A và 29,1% ở nhánh B/C. Trong số những bệnh nhân ở nhánh B/C, có 70% được chuyển sang sử dụng osimertinib do bệnh tiến triển.

Giá trị tích cực của phương pháp sinh thiết lỏng

Một điểm quan trọng mà TS. Remon nhấn mạnh là tính khả thi của việc ứng dụng sinh thiết lỏng trong thực hành lâm sàng nhằm mục đích theo dõi tình trạng đột biến T790M ở nhóm bệnh nhân được khởi trị với gefitinib.

Trước đó, TS. Remon và cộng sự đã trình bày dữ liệu sơ khai thu thập được, cho thấy 17% tổng số bệnh nhân được khởi trị với gefitinib có tiến triển xấu ở cấp độ phân tử trước khi xảy ra tiến triển xấu theo tiêu chuẩn RECIST. Điều này dẫn tới việc chuyển đổi chọn lựa điều trị sang osimertinib, cho kết cục PFS ở mốc thời gian 18 tháng đạt 87%. [ESMO 2022, abstract LBA51]

TS Remon cho biết, sự hạn chế thanh thải DNA khối u lưu hành trong huyết tương khi sử dụng thuốc ức chế EGFR tyrosine kinase có thể giúp xác định nhóm bệnh nhân có tiên lượng xấu và khả năng đáp ứng tích cực với việc nâng bậc điều trị.