Dapagliflozin giúp giảm nguy cơ các biến cố suy tim toàn phần, tử vong do tim mạch ở bệnh nhân suy tim

08 Oct 2023 bởiAudrey Abella
Dapagliflozin giúp giảm nguy cơ các biến cố suy tim toàn phần, tử vong do tim mạch ở bệnh nhân suy tim
Trong một phân tích định trước (prespecified analysis) của nghiên cứu DELIVER*, dapagliflozin – thuộc nhóm SGLT2i giúp giảm tỷ lệ biến cố suy tim toàn phần** hoặc tử vong do tim mạch ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu bảo tồn hoặc giảm nhẹ (HFmrEF hoặc HFpEF).
**Nhập viện lần đầu và những lần sau đó do suy tim hoặc những thăm khám suy tim khẩn cấp cần điều trị bằng các liệu pháp tĩnh mạch
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Hiệu quả của dapagliflozin trong việc giảm số lượng các biến cố này nhất quán trên nhiều phân nhóm và phạm vi EF. Dapagliflozin rõ ràng giúp giảm gánh nặng của các biến cố suy tim toàn phần, bất kể phương pháp phân tích được dùng và việc có xem xét biến cố suy tim toàn phần hay không (bao gồm thăm khám suy tim khẩn cấp hoặc nhập viện do suy tim mà không qua thăm khám khẩn cấp).”
Nghiên cứu gồm 6 263 người (tuổi trung bình 71.7 tuổi, 44% là nữ) được phân ngẫu nhiên dùng dapagliflozin 10 mg QD hoặc giả dược. Trong thời gian theo dõi trung vị 2.3 năm, nhóm dapagliflozin có số lượng bệnh nhân gặp ≥1 biến cố suy tim tiến triển nhưng không gây tử vong thấp hơn so với nhóm giả dược (n=368 so với 454). Nhóm điều trị với dapagliflozin cũng có tổng số biến cố xảy ra (n=584 so với 796), số ca tử vong do tim mạch và biến cố suy tim (n=815 so với 1.057) thấp hơn. [JAMA Cardiol 2023;8:554-563]
Trong mô hình LWYY***, rủi ro tương đối (RR) cho biến cố suy tim toàn phần và tử vong do tim mạch với dapagliflozin là 0.77. Trong phân tích thời gian dẫn đến biến cố đầu tiên (time-to-first-event) truyền thống, tỷ số nguy cơ là 0.82 (p<0.001 cho cả hai nhóm).
***LWYY: Lin, Wei, Yang, và Ying
Trong mô hình yếm chung (joint frailty), biến cố suy tim toàn phần và tử vong do tim mạch có RR lần lượt là 0.72 (p<0.001) và 0.87 (p=0.14). Đối với tổng số ca nhập viện do suy tim (không cần thăm khám suy tim khẩn cấp), tử vong do tim mạch cũng cho kết quả tương tự ở tất cả các phân nhóm, bao gồm cả những phân nhóm được xác định bởi phân suất tống máu.
Điểm ước tính thuận lợi hơn so với kết quả thu được trong phân tích thời gian dẫn đến biến cố đầu tiên (tiêu chí nghiên cứu chính: Hiệu quả giúp giảm biến cố thứ hai hoặc các biến cố tiếp theo với dapagliflozin không giảm). [N Engl J Med 2022;387:1089-1098]. Những kết quả này cũng nhất quán với các thử nghiệm về thuốc nhóm SLGT2i khác trên bệnh nhân HFmrEF và HFpEF. [N Engl J Med 2021;385:1451-1461]
Trong phân tích hậu kiểm thăm dò (exploratory post hoc analysis), AUC của dapagliflozin ngắn hơn so với giả dược (5.7 so với 7.8 tháng; p<0.001). Điều này tương ứng với mức tăng tuyệt đối là 2.2 tháng và RR là 0.72, giúp giảm 28% gánh nặng tích lũy của các biến cố suy tim và tử vong do tim mạch theo thời gian, nghiêng về phía dapagliflozin.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Điều này giúp củng cố thêm cho những kết quả từ các phân tích định trước”.
Nguyên nhân chính gây ra gánh nặng suy tim
Phần lớn gánh nặng bệnh tật ở bệnh nhân HFmrEF hoặc HFpEF là vấn đề tái nhập viện, đây là nguyên nhân chính gây gánh nặng suy tim cho người bệnh và hệ thống chăm sóc sức khỏe, gắn liền với tăng nguy cơ tử vong sau đó. [Circulation 2007;116:1482-1487]
Các nhà nghiên cứu giải thích: “Độ dốc rủi ro có tính tuyến tính: số lần tái nhập viện tăng lên thì nguy cơ tử vong do tim mạch và do mọi nguyên nhân sau đó cũng tăng.”
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, việc theo dõi của nghiên cứu còn nhiều hạn chế, do đó: “Ở mỗi nhánh điều trị, chúng tôi không đánh giá được toàn bộ gánh nặng trọn đời và điều đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích lâu dài của việc điều trị.” Những kết quả này có thể không khái quát được cho tất cả bệnh nhân HFmrEF hoặc HFpEF trong nhóm dân số lớn hơn nếu xét về các tiêu chí lựa chọn và loại trừ cụ thể.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Tuy nhiên, điểm hấp dẫn của phân tích toàn bộ các sự kiện hoặc tái diễn là những phân tích này giúp mô tả toàn bộ gánh nặng bệnh tật và có khả năng mang lại nhiều ý nghĩa hơn đối với bệnh nhân, đại diện cho toàn bộ trải nghiệm khi mắc bệnh của bệnh nhân. Do đó, khi giải thích hiệu quả điều trị cho bệnh nhân có thể nhắc đến sự giảm tổng số biến cố.”