
Theo kết quả từ một nghiên cứu được trình bày tại Digestive Disease Week (DDW) 2024, thói quen ăn kiwi xanh có thể giúp giảm đau bụng và táo bón ở người trưởng thành mắc hội chứng ruột kích thích thể táo bón (irritable bowel syndrome [IBS-C]).
TS. Jasjot Maggo - Khoa Y, Đại học Otago, Christchurch, New Zealand, đã lưu ý trong bài báo cáo tại DDW 2024: “IBS-C và táo bón chức năng gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến cá nhân và xã hội. (Do đó,) việc điều trị các tình trạng này là một thách thức”.
Đã có dữ liệu ủng hộ tiềm năng của kiwi xanh trong việc giảm bớt khó chịu ở bụng, cải thiện nhuận tràng, tăng lượng nước trong đại tràng và điều chỉnh thành phần hệ vi sinh đường ruột. [Asia Pac J Clin Nutr 2010;19:451-457; Crit Rev Food Sci Nutr 2018;58:2432-2452; Aliment Pharmacol Ther 2019;49:759-768]
Do đó, nhóm nghiên cứu đã khảo sát tác động của việc ăn kiwi xanh trên triệu chứng đau bụng và chức năng sinh lý ruột. TS. Maggo và các cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu nhãn mở, đối chứng âm (negative-controlled), phân nhóm ngẫu nhiên, song song, trên 63 người trưởng thành mắc IBS-C và táo bón chức năng theo Tiêu chuẩn Chẩn đoán ROME IV. Một nửa bệnh nhân trong nghiên cứu được hướng dẫn để ăn hai trái kiwi xanh (Actinidia deliciosa 'Hayward' 150 g/phần), trong khi nửa còn lại dùng maltodextrin có lượng calo tương đương (khoảng 90 kcal=25 g) mỗi ngày trong 4 tuần. Triệu chứng đau bụng được đánh giá bằng thang điểm đánh giá triệu chứng tiêu hóa (gastrointestinal symptom rating scale [GSRS]). [DDW 2024, áp phích Mo1938]
Trong số những người trưởng thành chỉ mắc IBS-C (n=18), điểm số đau bụng (p=0,02) và táo bón (p=0,03) theo thang điểm GSRS đã cải thiện đáng kể.
Ở người trưởng thành bị cả táo bón chức năng và IBS-C (n=57), không có sự khác biệt đáng kể về điểm số đau bụng, nhưng có xu hướng cải thiện điểm số táo bón (p=0,07).
Theo TS. Maggo, bên cạnh những cải thiện trên thang điểm GSRS, thời gian giãn theo chiều ngang của đại tràng lên cũng được tăng lên đáng kể (p=0,02), cho thấy sự gia tăng lượng nước trong phân ở đại tràng.
Khảo sát IBS - chất lượng sống cũng ghi nhận có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm ăn so với nhóm không ăn kiwi xanh (trung bình khác biệt 5,2; p=0,05).
Không có khác biệt đáng kể khi đánh giá các kết cục mà bệnh nhân tự báo cáo, chẳng hạn như phần tiêu hóa trong Hệ thống Thông tin Đo lường Kết cục do Bệnh nhân Báo cáo (đau bụng: p=0,3, táo bón: p=0,09 và khó nuốt: p=0,4), và Dữ liệu về Đại tràng (tổng số lần đi tiêu: p=0,46, và đi tiêu hoàn toàn tự nhiên: p=0,07).
Tác động liên quan đến lâm sàng
TS. Maggo cho biết: “[Tổng hợp lại,] nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về thói quen ăn kiwi xanh có tác động trên lâm sàng đối với việc đi tiêu hoàn toàn tự nhiên và các triệu chứng táo bón”.
Bà cho biết thêm, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc ăn kiwi xanh trong một tháng có thể ảnh hưởng đến lượng nước trong đại tràng, điều này có thể giải thích cho sự cải thiện tiêu hóa mà loại quả này mang lại.
Các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng chất lượng cao với đủ độ mạnh là cần thiết để đánh giá sâu hơn tác động của việc ăn kiwi xanh lên các chỉ số sinh lý ở người trưởng thành mắc táo bón chức năng và IBS-C, và để hiểu rõ hơn về cơ chế tác động tiềm ẩn của kiwi xanh lên chức năng ruột.