Liệu pháp miễn dịch tân bổ trợ mang lại hiệu quả trong ung thư bàng quang không đủ điều kiện dùng cisplatin

09 Aug 2023 byJairia Dela Cruz
Liệu pháp miễn dịch tân bổ trợ mang lại hiệu quả trong ung thư bàng quang không đủ điều kiện dùng cisplatin
Theo một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị ASCO Chuyên đề về Ung thư Niệu sinh dục năm nay, việc sử dụng pembrolizumab tân bổ trợ có liên quan đến tỷ lệ giảm giai đoạn (downstaging) cao hơn và lợi ích sống còn ở những bệnh nhân mắc ung thư bàng quang xâm lấn cơ (MIBC) không đủ điều kiện cho liệu pháp hóa trị tân bổ trợ có cisplatin.

Trong số những bệnh nhân không đủ điều kiện dùng cisplatin, những người dùng pembrolizumab tân bổ trợ có tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn trên mô bệnh học cao hơn đáng kể (pT0: 33% so với 13%; p=0,03) và thời gian sống thêm toàn bộ dài hơn (trung vị: không đạt được so với 19 tháng; p<0,01 ) so với những bệnh nhân trải qua phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang sớm. [ASCO GU 2023, abstract 513]

Phân tích so khớp điểm xu hướng (PSM) chỉ ra thêm rằng nhóm pembrolizumab tân bổ trợ có khả năng sống sót sau phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang tốt hơn, cụ thể là tại thời điểm 12 tháng (89% so với 57%), 24 tháng (64% so với 28%) và 36 tháng (33% so với 13%). ; p<0,01 cho tất cả). Thời gian sống thêm toàn bộ trung vị thu được không đạt ở nhóm pembrolizumab tân bổ trợ, ngược lại so với 21,0 tháng ở nhóm cắt toàn bộ bàng quang sớm (p<0,01).

Trong khi đó, nhóm phẫu thuật cắt toàn bàng quang sớm có liên quan đến khả năng sống sót kém gấp đôi so với nhóm điều trị bằng pembrolizumab tân bổ trợ ở những bệnh nhân mắc MIBC không đủ điều kiện sử dụng cisplatin (tỷ số rủi ro, 2,0, khoảng tin cậy 95%, 1,1–3,89), TS.BS. Kyle Rose, chuyên khoa Ung thư Tiết niệu tại Trung tâm Ung thư Moffitt (Tampa, Florida, Hoa Kỳ) – tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Ngoài ra, TS.BS. Rose cũng chia sẻ thêm: Những kết quả nghiên cứu này khá triển vọng khi xét đến nhu cầu lâm sàng chưa được đáp ứng về các lựa chọn điều trị toàn thân ở những bệnh nhân mắc MIBC không đủ điều kiện hóa trị tân bổ trợ có cisplatin.

Trong thử nghiệm PURE-01, việc sử dụng pembrolizumab tân bổ trợ cho nhóm đối tượng hiện tại đã được chứng minh là có hiệu quả. Dữ liệu 3 năm từ thử nghiệm đã cung cấp bằng chứng về hiệu quả duy trì của pembrolizumab tân bổ trợ trước khi phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang, trong đó, biểu hiện PD-L1 là chỉ dấu mạnh nhất về đáp ứng bền vững sau phẫu thuật. [Clin Cancer Res 2022;28:5107-5114]

Tuy nhiên, TS.BS. Rose đã chỉ ra rằng, mặc dù pembrolizumab tân bổ trợ dường như là một lựa chọn toàn thân hấp dẫn đối với những bệnh nhân mắc MIBC được lên kế hoạch phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang không đủ điều kiện dùng cisplatin, dữ liệu từ các thử nghiệm ngẫu nhiên tiến cứu đang được thực hiện sẽ giúp xác nhận lại những kết quả hiện nay và thiết lập vai trò của phác đồ liệu pháp miễn dịch cho nhóm đối tượng trên.

Đối với phân tích hiện tại, Rose và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu từ thử nghiệm PURE-01 và bao gồm 39 bệnh nhân MIBC không đủ điều kiện dùng cisplatin đã dùng pembrolizumab tân bổ trợ. Kết quả đáp ứng và sống sót được so sánh với kết quả của 313 bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật cắt bàng quang toàn bộ mà không dùng liệu pháp tân bổ trợ tại Trung tâm Ung thư Moffitt. Độ tuổi trung vị của nhóm đoàn hệ được so khớp điểm xu hướng (39 bệnh nhân trong mỗi nhóm) là 75 tuổi, 95% là nam giới. Tình trạng ECOG trước khi cắt bàng quang và giai đoạn lâm sàng T là tương tự nhau.