Theo nghiên cứu NRG-GY018 được báo cáo tại SGO 2023, việc bổ sung pembrolizumab vào hóa trị tiêu chuẩn giúp cải thiện đáng kể sống còn không bệnh tiến triển (PFS) ở những bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung giai đoạn tiến xa hoặc tái phát, bất kể tình trạng có khiếm khuyết sửa chữa bắt cặp sai (dMMR) hay không khiếm khuyết (pMMR).
Ở bệnh nhân có bướu dMMR, trung vị PFS không đạt được ở nhóm kết hợp pembrolizumab và hóa trị; trung vị PFS ở nhóm sử dụng giả dược + hóa trị là 7.6 tháng sau thời gian theo dõi trung vị 12 tháng.
Sau 12 tháng, 74% bệnh nhân trong nhóm dMMR được điều trị pembrolizumab + hóa trị vẫn còn sống và không tiến triển bệnh so với 38% bệnh nhân ở nhóm được điều trị bằng giả dược + hóa trị.
Ở bệnh nhân có bướu pMMR, trung vị PFS dài hơn đáng kể ở nhóm sử dụng pembrolizumab + hóa trị so với giả dược + hóa trị (1311 so với 8.7 tháng; HR, 0.54; p<0.00001) sau thời gian theo dõi trung vị 7.9 tháng.
Tóm lại, sự kết hợp giữa pembrolizumab và hóa trị giúp giảm 70% nguy cơ tiến triển bệnh hoặc tử vong ở nhóm bệnh nhân có bướu dMMR và giảm 46% ở nhóm bệnh nhân có bướu pMMR. [SGO 2023, tóm tắt 338166]
“Hơn nữa, các đường cong hiệu quả tách biệt sớm trong quá trình điều trị, và các đường cong này luôn tách biệt ở cả hai nhóm quần thể bệnh nhân trong suốt quá trình đánh giá,” tác giả chính, Tiến sĩ Ramez Eskander từ Trung tâm Ung thư Đại học California San Diego Moores ở San Diego, California, Hoa Kỳ cho biết.
“Do đó, những dữ liệu này cho thấy rằng việc kết hợp liệu pháp miễn dịch vào điều trị bước đầu ở bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung giai đoạn tiến xa hoặc tái phát sẽ cải thiện kết cục điều trị, bất kể tình trạng MMR hay kết quả mô học,” các nhà nghiên cứu cho biết trong một bài báo được xuất bản gần đây.
Nghiên cứu tiền cứu, quốc tế, pha III này đã phân tích 816 bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung ở giai đoạn III/IVA hoặc IVB hoặc tái phát được phân nhóm theo tình trạng MMR: dMMR (n=225; tuổi trung vị 66 tuổi) và pMMR (n =591; tuổi trung vị 65.5 tuổi).
Bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên để được điều trị với pembrolizumab 200 mg truyền tĩnh mạch mỗi 3 tuần + hóa trị * (n=112 [dMMR] và n=293 [pMMR]) hoặc giả dược + hóa trị (n=113 [dMMR] và 295 [pMMR]) trong sáu chu kỳ, sau đó duy trì bằng pembrolizumab hoặc giả dược mỗi 6 tuần trong 14 chu kỳ bổ sung.
Eskander lưu ý rằng lợi ích về PFS được quan sát một cách nhất quán ở nhóm pembrolizumab so với nhóm giả dược trên tất cả các phân nhóm có liên quan, chẳng hạn như tuổi, tình trạng hoạt động cơ thể 0/1, xạ trị trước đó, hóa trị trước đó và loại mô học diễn tiến nhanh, đặc biệt là tế bào dịch trong và tế bào sáng, ở cả hai đoàn hệ dMMR và pMMR.
Về mặt an toàn, gần như tất cả bệnh nhân trong nhóm sử dụng pembrolizumab và nhóm giả dược đã được báo cáo về các biến cố bất lợi (AE) ở bất kỳ mức độ nào (dMMR: 98,2% và 99,1%, tương ứng; và pMMR: 93,5% và 93,4%).
Các AE độ 3–5 xảy ra với tỷ lệ cao hơn ở nhóm sử dụng pembrolizumab so với nhóm sử dụng giả dược trong cả đoàn hệ dMMR (63.3% so với 47.2%) và pMMR (55.1% so với 45.3%). Eskander cho biết: “Tuy nhiên, việc thêm vào pembrolizumab dường như không làm tăng tần suất các AE liên quan đến miễn dịch hoặc các AE liên quan đến hóa trị gây độc tế bào toàn thân.”
“Thắng lợi lớn” trong ung thư nội mạc tử cung dMMR và pMMR
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Kết quả của chúng tôi cho thấy pembrolizumab kết hợp với hóa trị và điều trị duy trì sau đó đem lại PFS dài hơn đáng kể so với giả dược ở bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung dMMR và pMMR”.
“Cả hai thử nghiệm RUBY và NRG-GY018 đều đưa ra giả thuyết rằng việc bổ sung hóa trị có thể cải thiện đáp ứng với các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, và cả hai thử nghiệm này đều đạt kết quả khả quan,” Tiến sĩ Rebecca Arend từ Khoa Ung thư Phụ khoa tại Đại học Alabama, Birmingham, Alabama, Mỹ nhận xét.
Arend khẳng định: “Nhìn chung, đây là một thắng lợi lớn cho bệnh nhân của chúng ta.”
*Paclitaxel 175 mg/m2 truyển tĩnh mạch mỗi 3 tuần + Carboplatin AUC 5 mỗi 3 tuần