Trong thử nghiệm pha II đơn nhánh được báo cáo tại Hội nghị và Triển lãm Thường niên lần thứ 64 của Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ (ASH), điều trị bước đầu (1L) acalabrutinib kết hợp với lenalidomide và rituximab (ALR) đã cho thấy tỷ lệ cao lui bệnh hoàn toàn (CR) - bệnh tồn lưu tối thiểu (MRD) âm tính ở những bệnh nhân lymphôm tế bào vỏ (MCL), bao gồm cả những bệnh nhân có đột biến TP53.
Kết quả cũng cho thấy rằng phân tích dữ liệu đời thực MRD có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm thang điều trị theo đáp ứng trong pha duy trì để giảm thiểu độc tính, đảm bảo cho các đánh giá sau này. [Ruan J, et al, ASH 2022, abstract 73]
Nghiên cứu bao gồm 24 bệnh nhân (tuổi trung vị, 64 tuổi; tỷ lệ nam:nữ, 3.8:1) mắc MCL giai đoạn III/IV chưa được điều trị. Trong số những bệnh nhân này, 96% có xâm nhập tủy xương và 29% có đột biến TP53. Chỉ số tiên lượng quốc tế lymphôm tế bào vỏ (MIPI) thuộc nhóm nguy cơ thấp ở 37% bệnh nhân, nhóm nguy cơ trung bình ở 42% bệnh nhân và nhóm nguy cơ cao ở 21% bệnh nhân. Chỉ số Ki67 <30% ở 63% bệnh nhân và 21% bệnh nhân có nồng độ lactate dehydrogenase (LDH) tăng cao.
Điều trị trong nghiên cứu bao gồm pha tấn công và duy trì, với pha tấn công bao gồm 12 chu kỳ điều trị đầu tiên và pha duy trì bắt đầu từ chu kỳ 13 cho đến khi bệnh tiến triển hoặc ngừng điều trị. Acalabrutinib được dùng liên tục liều 100 mg uống 2 lần/ngày trong cả hai pha. Lenalidomide được dùng với liều 15 mg mỗi ngày vào các ngày 1–21 của chu kỳ 28 ngày trong 12 chu kỳ của pha tấn công, với liều tăng dần lên 20 mg nếu dung nạp, sau đó giảm liều xuống 15 mg trong pha duy trì. Rituximab được dùng hàng tuần trong 4 tuần trong suốt chu kỳ 1, sau đó một lần mỗi chu kỳ trong suốt pha tấn công và duy trì.
Tính đến tháng 7 năm 2022, sau thời gian theo dõi trung vị là 19 tháng, tất cả 24 bệnh nhân (100%) vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu mà không có bằng chứng về sự tiến triển của bệnh. 21 bệnh nhân đã hoàn thành 12 chu kỳ điều trị tấn công và 11 bệnh nhân đã hoàn thành 24 chu kỳ điều trị.
Trong số 21 bệnh nhân được đánh giá về mục tiêu chính là tỷ lệ CR - MRD âm tính (<10-6) khi kết thúc điều trị tấn công, tỷ lệ đáp ứng khách quan là 100% và tỷ lệ CR là 90.5% sau 12 chu kỳ điều trị. MRD âm tính trong máu ngoại vi (<10-6) đạt được ở 50% bệnh nhân (n=12/24) sau sáu chu kỳ, 71% bệnh nhân (n=15/21) sau 12 chu kỳ và 82% bệnh nhân (n =9/11) sau 24 chu kỳ. Trong số những bệnh nhân có đột biến TP53, 80 phần trăm (n=4/5) đạt được CR-MRD âm tính (10-6) sau 12 chu kỳ điều trị.
Ở những bệnh nhân đạt được CR- MRD âm tính, có thể ngừng sử dụng acalabrutinib và lenalidomide sau 24 chu kỳ. Bảy bệnh nhân đạt CR-MRD âm tính đã ngừng sử dụng acalabrutinib và lenalidomide.
Tiến sĩ Jia Ruan thuộc Trung tâm Ung thư Meyer, Y học Weill Cornell và Bệnh viện Trưởng lão New York ở New York, Hoa Kỳ giải thích và trình bày kết quả tại ASH 2022: “Bệnh nhân tiếp tục điều trị bằng rituximab khi dung nạp tốt, bởi vì nghiên cứu trước đây cho thấy rằng rituximab có liên quan đến
việc cải thiện kết quả sống còn và tính bền vững về đáp ứng MRD. Phần lớn bệnh nhân duy trì rituximab trong suốt thời gian tham gia nghiên cứu, trong đó lâu nhất là hơn 3 năm kể từ đầu tháng 12 năm 2022.”
Trong nghiên cứu, phác đồ bộ ba ALR được dung nạp tốt, với các tác dụng phụ không nằm ngoài dự kiến. Độc tính huyết học và không huyết học độ 3/4 phổ biến nhất lần lượt là giảm bạch cầu trung tính không triệu chứng (38%) và phát ban (42%). Các độc tính độ 3/4 khác bao gồm giảm tiểu cầu, thiếu máu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và hạ natri máu (4% mỗi loại).
Bốn trường hợp mắc bệnh ác tính thứ phát đã được báo cáo, bao gồm một trường hợp ung thư biểu mô tế bào thận cần phải cắt bỏ và ba trường hợp ung thư da không phải tế bào hắc tố.
Ruan cho biết: “Vì đây là nghiên cứu pha II đơn nhánh, nên dữ liệu nên được xem là mang tính khảo sát. Một đoàn hệ mở rộng sử dụng acalabrutinib kết hợp với lenalidomide và obinutuzumab đang được tiến hành.” [NCT03863184]