Theo nghiên cứu TRANSITION-T2D được trình bày tại ADA 2023, điều trị với semaglutide tiêm dưới da 1 lần/tuần và insulin degludec 1 lần/ngày giúp duy trì mức HbA1c ≤7.5% ở những bệnh nhân kiểm soát tốt đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 đang sử dụng phác đồ tiêm insulin nhiều lần trong ngày (MDI).
TS. Paloma Rodriguez, Khoa Nội tiết thuộc Cleveland Clinic (Hoa Kỳ) cho biết: “Khoảng 97.5% đối tượng thuộc nhóm semaglutide có thể thay thế insulin bữa ăn hoàn toàn khi tham gia nghiên cứu, chỉ có một bệnh nhân ngưng semaglutide phải dùng lại insulin bữa ăn.”
Bà nói thêm: “Sự chuyển đổi này giúp giảm đáng kể nhu cầu insulin, HbA1C và cân nặng, đồng thời loại bỏ nhu cầu sử dụng insulin bữa ăn”.
Trong thử nghiệm nhãn mở, đơn trung tâm này, 60 bệnh nhân kiểm soát tốt đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 được điều trị phác đồ tiêm insulin nhiều lần trong ngày (tuổi trung bình 68.6 tuổi, 58% nam giới) được phân ngẫu nhiên theo tỷ lệ 2:1 vào nhóm semaglutide sử dụng semaglutide dưới da 1 mg 1 lần/tuần + insulin degludec 1 lần/ngày hoặc nhóm MDI với insulin degludec 1 lần/ngày + insulin aspart trong 26 tuần. Nhóm semaglutide ngừng dùng insulin bữa ăn vào ngày sử dụng liều semaglutide đầu tiên (liều khởi trị 0.25 mg/tuần) và sau đó tăng liều hàng tháng nếu được dung nạp tốt. [ADA 2023, abstract 74-LB]
Trong phân tích theo chủ ý (intention-to treat: ITT), tỷ lệ bệnh nhân nhóm semaglutide duy trì mức HbA1c ≤7.5% ở tuần 26 cao hơn so với bệnh nhân ở nhóm MDI (90% so với 75%; tỷ số chênh [OR], 2.6; p=0.18), mặc dù kết quả này không có ý nghĩa thống kê.
Ở tuần 26, nhóm semaglutide + insulin giảm đáng kể cân nặng trung bình so với nhóm MDI [8.6% (-8.9 kg) so với 1.4% (1.5 kg), p<0.001], 45% bệnh nhân dùng semaglutide giảm cân >10%. So với thời điểm bắt đầu nghiên cứu, những bệnh nhân dùng semaglutide có tổng liều insulin hàng ngày giảm nhiều hơn so với nhóm MDI (-37.3 so với 5.2 đơn vị [U]/ngày; p<0.,001).
Liều trung bình insulin nền và insulin bữa ăn hàng ngày cũng giảm đáng kể ở nhóm semaglutide so với nhóm MDI (lần lượt là -7.8 so với 4.1 U/ngày; p<0.001 và -30 so với 2.1 U/ngày; p<0.001).
Về mức độ hài lòng với điều trị, không có khác biệt điểm về thang điểm DTSQs* và DTSQc** giữa nhóm semaglutide và MDI (p=0.,95 và p=0.,64).
*DTSQs: Tình trạng khảo sát về mức độ hài lòng trong điều trị bệnh ĐTĐ
**DTSQc: Những thay đổi trong khảo sát về mức độ hài lòng trong điều trị bệnh ĐTĐ
Hai nhóm điều trị có tỷ lệ xuất hiện tác động ngoại ý và tác động ngoại ý nghiêm trọng không khác biệt đáng kể (p>0.99 cho cả hai nhóm).
Rodriguez lưu ý: “Những bệnh nhân có HbA1c ≤7.5% điều trị với MDI lên đến 120 U/ngày có thể được chuyển đổi một cách hiệu quả và an toàn sang phác đồ tiêm dưới da semaglutide 1 mg 1 lần/tuần + insulin cơ bản nhờ phương pháp tiếp cận đơn giản như sau: ngừng hoàn toàn insulin bữa ăn khi bắt đầu sử dụng semaglutide, điều này có thể ứng dụng dễ dàng trong thực hành lâm sàng.”
“Với các kết quả tích cực này, việc thử nghiệm chuyển đổi insulin bữa ăn sang semaglutide tiêm dưới da 1 lần/tuần ở những đối tượng nhận điều trị với liệu pháp MDI liều cao (Tổng liều insulin hàng ngày >120 U/ngày) và/hoặc ở những bệnh nhân ĐTĐ type 2 không kiểm soát đầy đủ (HbA1c >7.5%) khá hợp lý, đặc biệt là khi mà semaglutide liều cao (2 mg) đã được chứng minh an toàn và hiệu quả ở những bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2.” Rodriguez lưu ý.