Thuốc ức chế SGLT2 mang lại lợi ích trên thận và giảm nguy cơ biến cố tim mạch nghiêm trọng

19 Sep 2023 bởiStephen Padilla
Thuốc ức chế SGLT2 mang lại lợi ích trên thận và giảm nguy cơ biến cố tim mạch nghiêm trọng
Trong một nghiên cứu được trình bày tại ADA 2023, điều trị với thuốc ức chế đồng vận chuyển kênh natri-glucose 2 (SGLT2i) giúp ngăn chặn sự suy giảm độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) và liên quan đến việc giảm nguy cơ biến cố bất lợi về thận ở người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), bất kể tình trạng albumin niệu trước đó.

Một nhóm nghiên cứu được dẫn dắt bởi Kaden K Fujita thuộc Đại học Lethbridge (Canada) đã thực hiện nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu để đánh giá hiệu quả của SGLT2i so với các thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP4i).
 
Fujita và các đồng nghiệp sử dụng dữ liệu từ tổ chức để xác định những người dùng SGLT2i mới (2014‒2018) mắc bệnh ĐTĐ và eGFR ≥30 mL/phút/1,73 m2.
 
Sau đó, những người tham gia nghiên cứu được so khớp theo tỷ lệ 1:2 với người dùng DPP4i theo từng giai đoạn bệnh thận mãn tính (CKD), albumin niệu và liệu pháp điều trị ĐTĐ, và theo điểm xu hướng có điều kiện theo thời gian (ví dụ: tuổi, giới tính, A1c, v.v.). Albumin niệu không nghiêm trọng được định nghĩa là tỷ lệ albumin trong nước tiểu so với creatinine ≤30 mg/mmol.
 
Các mô hình hồi quy tuyến tính và Poisson được sử dụng để đánh giá mối quan hệ giữa việc sử dụng SGLT2i và từng tiêu chí sau: suy giảm eGFR (cấp tính [≤60 ngày] và toàn bộ), các biến cố bất lợi về thận và tử vong do mọi nguyên nhân. Biến cố bất lợi về thận bao gồm việc mất 40% eGFR kéo dài, bắt đầu liệu pháp thay thế thận hoặc tử vong do nguyên nhân từ thận.
 
Các biến cố thận

Tổng cộng 19.238 bệnh nhân dùng SGLT2i (tuổi trung bình 57,9 tuổi, 59,1% nam giới) được xác định, trong đó 94,4% có albumin niệu không nghiêm trọng, eGFR trung bình là 91,7 mL/phút/1,73 m2. Phần lớn những người tham gia nghiên cứu (62%) được kê thuốc ức chế men chuyển (ACEI) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB). [ADA 2023, abstrac 123-OR]
 
Trong thời gian theo dõi trung vị 1,58 năm, sự thay đổi cấp tính trong eGFR là -2,79 ở nhóm dùng SGLT2i so với -1,43 ở nhóm dùng DPP4i (sai phân, -1,36, khoảng tin cậy 95% [CI], -1,74 đến -0,98; p<0,001). Sau 60 ngày, nhóm dùng SGLT2i được chứng minh có mức giảm eGFR hàng năm ít hơn (0,83, 95% CI, 0,66‒1,01; p<0,001) so với nhóm dùng DPP4i.
 
Ngoài ra, việc sử dụng SGLT2i dẫn đến ít biến cố bất lợi về thận hơn (tỷ số tốc độ mắc bệnh [IRR], 0,58, 95% CI, 0,47‒0,71; p<0,001), chủ yếu do việc giảm eGFR ít kéo dài hơn, dường như không góp phần vào tử vong do mọi nguyên nhân (IRR, 0,82, 95% CI, 0,66‒1,01; p=0,06).
 
Đáng chú ý, những kết quả ghi nhận được cũng nhất quán ở những bệnh nhân có albumin niệu không nghiêm trọng.
 
Các nghiên cứu viên cho biết: “SGLT2i có thể giúp ngăn chặn sự suy giảm eGFR và giảm nguy cơ biến cố bất lợi về thận ở người trưởng thành mắc bệnh ĐTĐ, bất kể tình trạng albumin niệu nền”.
 
Biến cố tim mạch

Theo một nghiên cứu khác được trình bày tại ADA 2023, bên cạnh những lợi ích kể trên, việc sử dụng SGLT2i kết hợp với chất chủ vận thụ thể peptide -1 giống glucagon (GLP-1 RA), cũng góp phần làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch nghiêm trọng (MACE) so với đơn trị bằng SGLT2,. [ADA 2023, abstract 268-OR]
 
Cụ thể, SGLT2i phối hợp GLP-1 RA tương quan với việc giảm 34% nguy biến cố tim mạch nghiêm trọng (tỷ số nguy cơ [HR], 0,66, 95% CI, 0,48‒0,91) so với SGLT2i đơn trị. Các phân tích thứ cấp cũng cho thấy việc điều trị kết hợp giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim (HR, 0,64, 95% CI, 0,42‒0,98).